Tên quán ăn có được đặt trùng nhau không?
Hỏi đáp pháp luật
Hỏi đáp pháp luật
Tên quán ăn có được đặt trùng nhau không?
Ngày đăng : 12/06/2020 - 9:07 AMHỏi: Hiện tại mình đang có một quán ăn lâu năm có tiếng được nhiều người ở khu vực tìm kiếm, tuy nhiên cách đây 1 tháng có một quán bên cạnh cũng mở cùng sản phẩm với mình, đặc biệt quán đó đặt tên giống y hệt với quán của mình. Như vậy có được không? Có được đặt tên quán ăn trùng nhau không?
Trả lời:
Do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể có 2 trường hợp như sau:
TH1: Nếu tên quán ăn của bạn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/tên thương mại
Theo Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định:
Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
...
Khoản 2 Điều này có quy định như sau:
- Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Khi tên quán ăn của bạn đã đăng ký bảo hộ thì việc quán ăn khác đặt tên giống hệt quán ăn của bạn gây nhầm lẫn cho khách hàng là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, khi tên quán ăn của bạn đã được đăng ký bảo hộ thì việc quán ăn khác đặt tên trùng với quán ăn của bạn là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại.
Theo Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2009, bạn có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ nhãn hiệu/tên thương mại bạn đã đăng ký bảo hộ:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
=> Do đó bạn có quyền yêu cầu quán ăn chấm dứt hành vi sử dụng tên nhãn hiệu/tên thương mại bạn đã đăng ký bảo hộ.
TH2: Nếu tên quán ăn của bạn không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/tên thương mại
Khi tên quán ăn chưa được đăng ký bảo hộ thì bạn không thể áp dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để xử lý hành vi của quán ăn bên cạnh. Trường hợp này sẽ áp dụng theo các quy định của Luật Cạnh tranh.
Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018:
- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Theo quy định này, có thể thấy việc quán ăn khác đặt tên trùng với quán ăn của bạn là trái với nguyên tắc thiện chí, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của quán ăn của bạn.
Theo Khoản 1 Điều 110 Luật này, Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!